Golf Việt có còn non trẻ?

Góc nhìn của golfer Bạch Xuyên Trung về golf Việt nhân việc cô gái 19 tuổi người Philippines, Yuka Saso vừa đoạt chức vô địch giải đấu lớn, U.S.Women’s Open 2021.

Để có thể phát triển bộ môn golf sánh ngang tầm khu vực, cần đến một nguồn lực tài chính rất lớn lao mà nhà nước không thể gánh được. Hiện nay, Hiệp hội Golf Việt Nam (VGA) đã đưa ra được một lộ trình cơ bản để phát triển golf nước nhà, bao gồm golf trẻ.

Tuy nhiên, để xây dựng, phát triển bộ môn golf có tính căn cơ, đồng bộ, cần thiết phải có những đề tài nghiên cứu sâu nhằm đánh giá thực trạng, tìm ra các giải pháp thực hiện mang tính chiến lược, đột phá, khả thi và hiệu quả. Bên cạnh đó là khai thác tối đa nguồn lực xã hội mới mong có đủ nền tảng để phát triển bền vững và nhanh chóng.

Điều kiện cần và đủ

Trải qua một thời kỳ phát triển, lấy mốc là thời điểm ra đời Hiệp hội Golf Việt Nam (năm 2007), nền golf nước nhà đã có những bước tiến bộ tích cực, từ việc trẻ hoá đội ngũ quản lý ở cấp nhà nước đến việc hàng loạt các học viện golf ra đời trên phạm vi cả nước.

Ngoài đội ngũ các HLV tự do, thời gian vừa qua cũng chứng kiến sự ra đời của một loạt các học viện mới, bao gồm: Every Golf, DHA Golfzon, GolfGroup Academy-GGA, KN Golf Academy, Saigon Golf Academy-SGA, Kanes Golf Academy-KGA,…bên cạnh các học viện lâu đời và chuyên nghiệp hơn gồm có: Els Performance Golf Academy, Leadbetter Golf Academy,… Ở quy mô đào tạo golf cấp đại học đầu tiên là Đại học Tôn Đức Thắng (liên kết với ĐH Chung Ang – HQ), Đại học TDTT 1…

Sau cũng khá nhiều năm đầu tư, tuy nhiên đến nay, chưa có golfer nào của Việt Nam thành danh trên đấu trường quốc tế (Asian Tour hoặc PGA tour), người ta thường ‘đổ’ tại “Golf Việt còn non trẻ”.

Đánh giá tổng thể nền golf nước nhà hoặc ngành công nghiệp golf Việt Nam thì phát biểu này là chính xác. Thế nhưng, nếu xét đối tượng là cá nhân người chơi (golfer chuyên nghiệp), thì chỉ nên xét dựa vào “tuổi nghề” nói chung của golfer.

Giả sử, một người bắt đầu học golf lúc 10 tuổi, thì đến khoảng 25 tuổi (chu kỳ đầu tiên 15 năm) là có thể xác định được trình độ của golfer đó, có đủ để theo đuổi golf chuyên nghiệp quốc tế hay không? Hay nói cách khác là họ đã tích lũy đủ điểm để du đấu tại các tour chuyên nghiệp và kiếm tiền thưởng bằng việc tham dự giải chuyên nghiệp.

Khi nào có golfer Việt tại Tour?

Việt Nam từng có hai đại diện từng thi đấu tại Asian Tour, đó là Nguyễn Thái Dương và Trần Lê Duy Nhất. Tuy nhiên, sau khi Thái Dương giải nghệ, Duy Nhất chỉ thi đấu bán thời gian, Việt Nam hiện tại vắng bóng đại diện tại Tour.

Quay ngược thời gian với những cột mốc của Golf Việt. Giải vô địch golf Quốc gia (Vietnam National Championship-VNC) lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2005. Giải được tổ chức bởi Saigon Times Group và Công ty T&A Việt Nam, diễn ra tại sân golf Dalat Palace. Tại giải đấu này, cố golfer Huỳnh Văn Sơn lên ngôi vô địch.

Đến năm 2008, giải đấu được điều hành bởi VGA, mang tên mới – Giải Vô địch Nghiệp dư QG Mở rộng (VAO) từ đó đến nay.

Năm 2014, VAO đã đặt nền móng cho golf chuyên nghiệp Việt Nam. Tại giải đấu này, lần đầu tiên có bảng Non – Amateur dành cho các đối tượng mất tư cách nghiệp dư do tham gia giảng dạy, có thu tiền trực tiếp hoặc gián tiếp mà chưa có chứng nhận dạy golf chuyên nghiệp hoặc chưa phải là golfer của các hiệp hội golf chuyên nghiệp. Năm 2016, VGA đã quyết định tổ chức Giải Vô địch Chuyên nghiệp Quốc gia bên cạnh giải Vô địch Đối kháng Quốc gia. Năm 2017, hệ thống giải Golf chuyên nghiệp Việt Nam (VPGA) ra đời và năm 2018, VGA thành lập và điều hành Hệ thống chuyên nghiệp QG (VPG Tour).

Theo quan sát thực tiễn phát triển phong trào golf trong thời gian qua, nếu xem giải golf Vô địch nghiệp dư quốc gia năm 2008 là bước đệm, khởi đầu cho các golfer không chuyên chuyển mình sang chuyên nghiệp được tổ chức vào năm 2014 thì golfer Việt đã có “thâm niên” thi đấu hơn 13 năm.

Như vậy, đến năm 2023, có thể nói là hành trình đi lên chuyên nghiệp của golfer Việt đã kết thúc lứa đầu tiên.

Trên cơ sở đó, theo tôi, từ năm 2024 trở đi, từng lớp golfer thi đấu chuyên nghiệp sẽ không còn trẻ nữa (đã đủ thời gian tập luyện và thi đấu để lên chuyên nghiệp). Chúng ta nên xác định từ năm 2024 là năm khởi đầu cho giai đoạn tham gia thi đấu chuyên nghiệp quốc tế chính thức cho golfer nước nhà, để từ đó đánh giá đúng mức tiềm năng phát triển trong tương lai.

Dịp gần đây, nổi lên một vài học viện, quảng bá việc học golf nhanh chóng đến lạ thường như GolfGroup Academy (GGA) hoặc Kanes Golf Academy (KGA). Nổi bật trong đó là phương pháp đào tạo được cho là ‘đột phá’, khác với công tác đào tạo golf truyền thống (KGA), đang gây nên những sự tranh luận vừa âm thầm vừa bùng nổ trong giới huấn luyện golf.

Như trên đã nói, chu kỳ cần thiết để một golfer tập luyện và thi đấu chín muồi là khoảng 15 năm, cho nên cần nhiều thời gian để xem xét, đánh giá kết quả đào tạo của học viện đào tạo golf này.

Tôi chưa tiếp cận được công nghệ đào tạo thần tốc của KGA để xem có cơ sở khoa học hay không nhưng vẫn hy vọng rằng, những lời quảng bá bay bổng ấy trở thành sự thật, sẽ đưa golfer Việt chinh chiến trên PGA Tour trong thời gian ngắn hơn 15 năm tới.

Mặt khác, xu thế học viện golf đang nở rộ khắp mọi miền đất nước thì tôi cho rằng, việc tồn tại hay không tồn tại học viện này cũng không làm ảnh hưởng đến công tác đào tạo của học viện hay HLV khác mà chỉ đơn giản chỉ là, sự lựa chọn của người học.

Chuyện gì cũng có thể xảy ra, hãy đợi xem kết quả trong vòng 15 năm tới, thay vì sớm đưa ra kết luận tiêu cực làm tắt nhuệ khí những người đang hứng khởi đưa học trò lên Tour.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*